Giữa khiêm tốn và thích thể hiện bản thân, trẻ nên phát triển tính cách nào để đạt được thành công trong tương lai?
Mỗi đứa trẻ từ khi được sinh ra và trong quá trình khôn lớn, đều sẽ sở hữu cho riêng mình những nét tính cách khác nhau. Dù là tính cách như thế nào, thì bố mẹ cũng là người cần dành nhiều thời gian quan sát để hiểu con, từ đó xây dựng nên một môi trường phù hợp, để con phát huy thế mạnh của mình một cách toàn diện nhất.
Thay vì ra sức thay đổi con trở thành người có tính cách như bố mẹ mong muốn, thì việc tôn trọng những điều tự nhiên, đặc tính sẵn có “trời sinh”, và định hướng phát triển theo một chiều hướng đúng đắn, được chuyên gia khuyên bố mẹ nên làm.
Chúng ta có thể dễ dàng nhận biết giữa đứa trẻ có tính khiêm tốn và trẻ thích thể hiện bản thân (Ảnh minh hoạ).
Theo nhiều nghiên cứu, khiêm tốn và thích thể hiện bản thân vốn dĩ là 2 đặc điểm tính cách đối lập nhau, và cũng là đặc điểm tính cách mà đứa trẻ nào cũng sẽ hình thành trong chặng đường trưởng thành. Nhiều bố mẹ cảm thấy băn khoăn trong việc giáo dục con ra sao cho phù hợp đối với 2 loại tính cách này, đâu mới là tính cách giúp con dễ dàng đạt được nhiều thành tựu trong tương lai, và được mọi người yêu mến hơn?
Trước những nghi vấn trên của các bậc phụ huynh, Tiến sĩ Tâm lý Nhi Nguyễn Thị Tú Anh sẽ đưa ra những giải đáp, chia sẻ dựa vào góc độ giáo dục, tâm lý trẻ em, để có thể giúp các ông bố bà mẹ hình thành nhận thức và quan điểm đúng đắn trong vấn đề này. Như vậy, bố mẹ sẽ biết bản thân nên làm gì, có phương pháp giáo dục ra sao để tốt nhất cho sự phát triển của con trong tương lai?
Nghiên cứu sinh, Tiến sĩ Tâm lý Nhi Nguyễn Thị Tú Anh.
Trẻ khiêm tốn và trẻ thích thể hiện bản thân có những ảnh hưởng khác nhau như thế nào đến quá trình phát triển cá nhân và thành công trong tương lai?
Tìm kiếm sơ qua định nghĩa về khiêm tốn, có thể hiểu khiêm tốn nghĩa là: “Biết đánh giá cái hay của mình một cách vừa phải và dè dặt”. Thái độ khiêm tốn là không tự cao, không tự mãn, biết học hỏi. Vậy, ngược lại với khiêm tốn là tự cao tự đại, theo định nghĩa, tự cao là tự cho mình là nhất, là hơn người mà coi thường người khác, tưởng mình giỏi nên sinh ra tự cao.
Với hai định nghĩa này, rõ ràng trẻ mang đặc điểm tính cách theo hướng khiêm tốn sẽ có tác động tích cực lên quá trình phát triển cá nhân và trong tương lai, so với trẻ mang đặc điểm tự cao tự đại. Dễ dàng quan sát thấy nhất là những người có đức tính khiêm tốn, trong bối cảnh nền văn hoá Á Đông thường sẽ dễ nhận được sự yêu mến, thiện cảm từ mọi người xung quanh, đặc biệt là từ người lớn tuổi hơn.
Riêng về đặc điểm tính cách “thích thể hiện bản thân”, chúng ta cần suy xét kỹ càng về thái độ và sự tự nhận thức bản thân của chính đứa trẻ đó, cũng như môi trường gia đình, để có thể đánh giá chính xác hơn về sự phát triển tổng thể và tương lai của trẻ.
Những biểu hiện dễ dàng nhận biết giữa đứa trẻ khiêm tốn và đứa trẻ thích thể hiện bản thân là gì?
Tính khí là các đặc điểm mà mỗi cá nhân đã có sẵn từ khi sinh ra. Trong các đặc điểm tính khí, mỗi người trong chúng ta, bao gồm trẻ em, có những khuynh hướng bẩm sinh là người hướng ngoại (tìm kiếm năng lượng từ các yếu tố bên ngoài), hay hướng nội (cảm thấy dồi dào năng lượng khi được kết nối với nội tâm bên trong).
Các cách thể hiện cường độ cảm xúc nhẹ nhàng, âm thầm hay “cuồng phong vũ bão”, đặc tính là người cẩn trọng e dè hay là người thích xông pha và thử thách… Các đặc điểm này có thể dễ dàng quan sát ở trẻ nhỏ, và nó có ảnh hưởng lớn đến việc trẻ hành động, cư xử, cũng như tương tác xã hội với mọi người.
Trẻ thích thể hiện bản thân thì thường có thể dễ dàng nhận biết hơn, ở cách trẻ không ngại biểu lộ và thể hiện mình qua nhiều hình thức, ví dụ: hăng hái trò chuyện và nói về bản thân, biểu diễn năng khiếu như đàn vẽ múa hát, hăng hái tham gia mọi trò chơi, và thích thú với sự ghi nhận của mọi người.
Để đánh giá trẻ khiêm tốn hay không, có lẽ cần đánh giá khi trẻ phát triển tạm ổn, có nhiều ngôn ngữ và biết cách diễn đạt suy nghĩ trong đầu, thì lúc đó chúng ta mới hiểu được về trẻ thông qua các thông tin mà trẻ cung cấp. Đôi khi, trẻ chậm phát triển ở kỹ năng nào đó (ví dụ giao tiếp), hoặc trẻ đơn thuần là có tính khí nhạy cảm và chậm thích nghi nên sẽ không thể hiện bản thân nhiều – điều này chưa đủ để đánh giá rằng trẻ là người khiêm tốn hay tự cao.
Trẻ khiêm tốn và trẻ thích thể hiện bản thân có thể hợp nhất như thế nào để đạt được sự cân bằng giữa sự tự tin và lắng nghe, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển và thành công trong tương lai?
Có mội cụm từ trong tiếng Anh gọi là: “self-esteem”. Self-esteem dịch sát ra nghĩa là tự tôn trọng chính bản thân, có sự tự tin vào giá trị riêng hay khả năng riêng của bản thân. Trong quá trình làm việc, mình thường dịch self-esteem là “khả năng con có thể xây dựng nhận thức và hiểu biết tốt về chính bản thân con, và tự cảm thấy tốt đẹp về mình mà không phụ thuộc vào sự ghi nhận hoặc cổ vũ từ bên ngoài”.
Tôi tin rằng nền tảng để một cá nhân, một đứa trẻ, có thể phát triển thuận lợi cho tương lai chính là có self-awareness và self-esteem: một sự nhận thức đúng đắn về bản thân và phát triển cảm giác tốt đẹp về chính mình từ bên trong.
Nghĩa là: Con biết rõ con là ai, con đến từ đâu (gia đình nào, bối cảnh nào, văn hoá nào,…), điểm mạnh và điểm chưa mạnh của con là gì, con thích gì và không thích gì, con có những cảm xúc ra sao? và con có cảm thấy ổn hay nhìn nhận đúng những cảm xúc mà con có. Từ nền tảng này, trẻ có thể phát triển được nhận thức tốt về mọi người xung quanh, và biết cách xây dựng những mối quan hệ xã hội bền vững.
Bố mẹ nên làm thế nào để tạo ra một môi trường phù hợp, giúp trẻ phát triển cả 2 tính cách trên đúng hướng?
Như đã phân tích ở trên, tôi nghĩ rằng một trong những điều hữu ích nhất mà bố mẹ có thể giúp cho sự phát triển của con, chính là xây dựng cho con một nền tảng nhận thức đúng đắn về bản thân, cũng như bồi đắp cảm giác tốt đẹp về chính bản thân con, hiểu biết rõ các điểm mạnh lẫn điểm chưa mạnh của con, mà không cần phải tự phụ hay che giấu.
Sẽ không công bằng nếu yêu cầu một đứa trẻ có khuynh hướng hướng nội, có mức năng lượng vận động thấp phải luôn “thể hiện bản thân” qua các hoạt động thể chất hoặc biểu diễn, vì đơn giản là con không cảm thấy thoải mái làm điều đó. Tương tự, cũng không công bằng nếu yêu cầu một trẻ thích giao tiếp và có nguồn năng lượng cao, phải luôn giữ yên tĩnh và không được nói nhiều.
Khiêm tốn hay thích thể hiện sẽ không quan trọng bằng việc trẻ hiểu rõ rằng mình là tuýp người có tính khí như thế nào, và trẻ cần hoặc nên làm gì để mọi người xung quanh hiểu đúng về bản thân, cũng như có cơ hội được thực hành những điểm mạnh mà mình có thể làm tốt.
Nguồn: https://arttimes.vn/gia-dinh/tre-khiem-ton-hay-tre-thich-the-hien-ban-than-se-de-thanh-cong-hon-chuyen-gia-tam-ly-dua-ra-cau-tra-loi-bat-ngo-c59a35055.html