Đóng

Mẹ và Bé

Tai hại từ chuyện mẹ vô tư kể chuyện của con cái cho người ngoài vi “trẻ con thì cần gì bí mật”

Việc bố mẹ tiết lộ bí mật xuất phát từ nhiều lý do, nhưng cần nhận thức được ảnh hưởng của hành động này đến tâm lý và cảm xúc con.

Trẻ em là cá thể độc lập, cũng có những vấn đề riêng tư cần được giấu kín, đặc biệt ở tuổi dậy thì, khi mà quá trình hình thành và phát triển bản sắc cá nhân diễn ra mạnh mẽ. Ở giai đoạn này, trẻ bắt đầu khám phá bản thân, xây dựng các mối quan hệ xã hội và cảm xúc phức tạp. Những bí mật này có thể bao gồm những suy nghĩ, cảm xúc, và trải nghiệm mà trẻ không muốn chia sẻ với người khác, kể cả với bố mẹ.

Tuy nhiên, nhiều bố mẹ vô tư tiết lộ bí mật của con ra bên ngoài, có thể xuất phát từ nhiều lý do khác nhau. Bố mẹ chưa nhận thức được rằng việc chia sẻ những thông tin cá nhân này khiến trẻ cảm thấy bị xâm phạm, thiếu tôn trọng và thậm chí dẫn đến sự sợ hãi trong việc thể hiện bản thân.

Tai hại từ chuyện mẹ vô tư kể chuyện của con cái cho người ngoài vi "trẻ con thì cần gì bí mật" - 1

Ảnh minh họa.

Đối với trẻ, việc giữ bí mật không chỉ là về thông tin, mà còn là cảm xúc và sự tự do. Khi bố mẹ chia sẻ bí mật của trẻ với bạn bè hay hàng xóm, dễ tạo ra một cảm giác bất an, khiến trẻ ngần ngại trong việc chia sẻ những vấn đề khó khăn hay cảm xúc sâu sắc với người lớn trong tương lai.

Mặt khác, sự thiếu hiểu biết về tầm quan trọng của việc bảo vệ không gian riêng tư của trẻ có thể dẫn đến những tác động lâu dài trong mối quan hệ giữa trẻ và bố mẹ.

Trẻ cảm thấy rằng bố mẹ không hiểu hoặc không tôn trọng những gì mình đang trải qua, từ đó làm giảm lòng tin và sự gắn kết trong gia đình. Do đó, bố mẹ nên chú trọng đến việc tôn trọng bí mật và không gian riêng tư của trẻ, nhằm xây dựng một môi trường gia đình lành mạnh, nơi trẻ trưởng thành và phát triển tự tin.

Tai hại từ chuyện mẹ vô tư kể chuyện của con cái cho người ngoài vi "trẻ con thì cần gì bí mật" - 2

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Vui.

Tai hại từ chuyện mẹ vô tư kể chuyện của con cái cho người ngoài vi "trẻ con thì cần gì bí mật" - 3

Câu nói này ảnh hưởng đến cảm giác an toàn của trẻ như thế nào khi bố mẹ vô tư tiết lộ bí mật ra bên ngoài?

Theo 5 tầng trong Tháp nhu cầu của Maslow:

– Tầng thứ nhất: Các nhu cầu cơ bản nhất thuộc về “thể lý” (physiological) – Thức ăn, nước uống, nơi trú ngụ, bài tiết, thở, nghỉ ngơi.

– Tầng thứ hai: Nhu cầu an toàn (safety) – Cần có cảm giác yên tâm về an toàn thân thể, việc làm, gia đình, sức khỏe, tài sản được đảm bảo.

– Tầng thứ ba: Nhu cầu được giao lưu tình cảm và được trực thuộc (love/belonging) – muốn được trong một nhóm cộng đồng nào đó, muốn có gia đình yên ấm, bạn bè thân hữu tin cậy.

– Tầng thứ tư: Nhu cầu được quý trọng, kính mến (esteem) – cần có cảm giác được tôn trọng, kính mến, được tin tưởng.

– Tầng thứ năm: Nhu cầu về tự thể hiện bản thân cường độ cao (self – actualization) – muốn sáng tạo, được thể hiện khả năng, thể hiện bản thân, trình diễn mình, có được và được công nhận là thành đạt.

Vậy nếu xét về góc độ này, bố mẹ đang vi phạm về tầng thứ hai là nhu cầu an toàn. Khi nói về bí mật, có nghĩa là vấn đề nào đó mà trẻ không muốn mọi người biết.

Khi trẻ tin tưởng chia sẻ bí mật với gia đình, có nghĩa trẻ đang kỳ vọng đón nhận sự an toàn từ bố mẹ. Vì vậy, nếu bố mẹ vô tư tiết lộ ra bên ngoài, tức là đang xâm phạm đến quyền được an toàn của trẻ, hệ quả là dần mất sự tin tưởng mà trẻ dành cho bố mẹ.

Về phí bản thân trẻ, sẽ tác động lớn đến tâm lý, có thể đẩy trẻ đến cảm xúc tệ, tức giận, kinh ngạc, hốt hoảng, thậm chí về lâu dài tăng nguy cơ, lo âu. trầm cảm….

Tai hại từ chuyện mẹ vô tư kể chuyện của con cái cho người ngoài vi "trẻ con thì cần gì bí mật" - 4

Trẻ có nên kín đáo hơn hay ngừng chia sẻ thông tin với bố mẹ sau khi nghe bố mẹ tiết lộ chuyện riêng tư của mình? Nếu có, điều này ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa trẻ và bố mẹ ra sao?

Tùy thuộc vào thông tin mà trẻ tiết lộ. Nếu trẻ tiết lộ, nên kèm điều kiện rõ ràng là bố mẹ không được chia sẻ ra bên ngoài. Việc trẻ ngừa chia sẻ nhằm bảo đảm sự riêng tư, tính an toàn cho bản thân.

Về phí phụ huynh, bố mẹ vô tình tự tay mình ngắt đi kết nối với con. Khi trẻ phát hiện ra rằng những vấn đề riêng tư mà mình đã tin tưởng giao phó cho bố mẹ lại được chia sẻ với người khác, cảm giác bị phản bội có thể xuất hiện.

Điều này còn tạo ra một khoảng cách cảm xúc, khiến trẻ trở nên kín đáo hơn và ngần ngại trong việc chia sẻ những điều quan trọng sau này.

Tai hại từ chuyện mẹ vô tư kể chuyện của con cái cho người ngoài vi "trẻ con thì cần gì bí mật" - 5

Liệu trẻ có thể hình thành sự nghi ngờ về khả năng tin tưởng người khác không, và điều này có thể ảnh hưởng đến các mối quan hệ xã hội trong tương lai?

Nhiều nhà tâm lý học đồng thuận rằng, sự tin tưởng của trẻ đối với bố mẹ là nền tảng đầu tiên trong cuộc đời. Khi trẻ có niềm tin từ gia đình, sẽ có xu hướng đặt niềm tin vào các mối quan hệ xung quanh như chồng con, bạn bè, đồng nghiệp…

Ngược lại, bố mẹ làm mất đi sự tin tưởng đó, vô thức trẻ trở nên dè dặt với cuộc sống. Ngay cả khi trẻ trưởng thành, bước vào mối quan hệ yêu đương lãng mạn, bên cạnh hạnh phúc, còn hiện diện nhiều nghi ngờ, lo lắng, bất an. Bởi nỗi sợ bị đối xử như thời thơ ấu.

Nổi sợ này không phải lúc nào cũng hiện diện ra bên ngoài để trẻ nhận biết, nó sẽ tồn tại trọng tâm trí, khiến trẻ thường xuyên bất an. Ví dụ, một bên trẻ muốn chia sẻ cùng người yêu những vấn đề cá nhân, nhưng bên cạnh đó mơ hồ sợ hãi không thể giải thích, điều thường do chấn thương, kỷ niệm buồn từ thời thơ ấu để lại.

Tai hại từ chuyện mẹ vô tư kể chuyện của con cái cho người ngoài vi "trẻ con thì cần gì bí mật" - 6

Bố mẹ nên thay đổi điều gì? Và làm gì để tạo ra một môi trường nơi trẻ cảm thấy an toàn khi chia sẻ bí mật mà không sợ bị tiết lộ?

Trong trường hợp bố mẹ chưa bao giờ chia sẻ bí mật của con ra bên ngoài, việc tiếp tục duy trì tương tác tích cực là rất quan trọng. Điều này giúp trẻ cảm nhận được sự kết nối mạnh mẽ trong gia đình, củng cố niềm tin giữa các thành viên.

Bố mẹ cần thể hiện sự nghiêm túc trong việc đón nhận bí mật của trẻ, không chỉ bằng lời nói mà còn bằng hành động. Khi trẻ thấy rằng bố mẹ luôn giữ kín những điều riêng tư, sẽ cảm thấy được tôn trọng và yêu thương, từ đó dễ dàng mở lòng chia sẻ hơn trong tương lai.

Ngược lại, nếu bố mẹ đã từng tiết lộ bí mật của con và cảm thấy hối hận, điều cần làm ngay lúc này là trò chuyện một cách cởi mở và chân thành. Bố mẹ nên thẳng thắn xin lỗi, giải thích lý do và cảm xúc của mình, đồng thời cam kết rằng sẽ tôn trọng sự riêng tư của trẻ và gia đình trong tương lai.

Hơn nữa, bố mẹ cần phải hiểu rằng trong văn hóa Việt Nam, mối liên kết giữa gia đình, họ hàng và hàng xóm thường rất gần gũi, dẫn đến việc thông tin cá nhân dễ bị chia sẻ mà không nhận thức được tác động của nó.

Để khắc phục điều này, bố mẹ có thể tổ chức những buổi trò chuyện gia đình, nơi mọi người có thể chia sẻ cảm xúc, quan điểm và thiết lập quy tắc về việc bảo vệ thông tin cá nhân. Đồng thời, khuyến khích tất cả các thành viên học hỏi cách tôn trọng không gian và bí mật riêng tư của nhau.

Nguồn: https://arttimes.vn/gia-dinh/tai-hai-tu-chuyen-me-vo-tu-ke-chuyen-cua-con-cai-cho-nguoi-ngoai-vi-tre-con-thi-can-gi-bi-mat-c59a58551.html