Với nhiều bệnh nhiễm trùng thì kháng sinh là loại thuốc không thể thiếu trong quá trình điều trị. Nếu dùng đúng loại kháng sinh và đúng liều lượng thì bệnh sẽ sớm khỏi. Nhưng nếu dùng sai cách, lạm dụng thì sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy sức khỏe.
Lạm dụng kháng sinh có thể khiến nhiễm trùng đường tiết niệu tái đi tái lại. Nhiễm trùng đường tiết niệu là căn bệnh rất phổ biến. Tác nhân chủ yếu gây bệnh là do vi khuẩn Escherichia coli (E. Coli) gây ra, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
E. Coli là loại vi khuẩn có nhiều trong đường ruột. Nếu xâm nhập vào đường tiết niệu, chúng có thể sinh sôi và gây nhiễm trùng, Các triệu chứng của nhiễm trùng đường tiết niệu là tiểu buốt, đi tiểu thường xuyên, đau bụng dưới và đau hông. Trong trường hợp nặng, bệnh có thể khiến tiểu ra máu và sốt.
Khi dùng đúng loại và liều lượng thì kháng sinh sẽ điều trị hiệu quả nhiễm trùng đường tiết niệu. Tuy nhiên, nếu lạm dụng hoặc dùng sai cách thì kháng sinh sẽ gây một số tác dụng phụ với sức khỏe.
Kháng sinh có khả năng tiêu diệt vi khuẩn. Khi uống vào cơ thể, thuốc tiêu diệt vi khuẩn E. Coli gây bệnh trong đường tiết niệu nhưng đồng thời cũng làm hại vi khuẩn có lợi trong ruột.
Vi khuẩn có lợi trong ruột sụt giảm sẽ khiến vi khuẩn có hại, trong đó có E. Coli, phát triển mạnh hơn. Sau đó, E. Coli trong ruột có thể xâm nhập vào đường tiết niệu khi chúng ta đi vệ sinh và lau rửa không cẩn thận. Nhiễm trùng đường tiết niệu lại uống kháng sinh và tiếp tục vòng luẩn quẩn này.
Một nghiên cứu trên chuyên san Nature Microbiology vào năm 2022 đã chứng minh tác động của kháng sinh. Những người bị nhiễm trùng đường tiết niệu tái đi tái lại có hệ vi khuẩn đường ruột kém hơn và lợi khuẩn cũng thấp hơn đáng kể so với người khỏe mạnh. Không những vậy, lạm dụng kháng sinh còn có thể khiến vi khuẩn kháng thuốc và làm các bệnh nhiễm trùng khó điều trị hơn trong tương lai.
Các nguyên nhân chính gây nhiễm trùng đường tiết niệu là vệ sinh kém sau khi đi tiểu, giữ nước tiểu trong bàng quang quá lâu và uống quá ít nước. Để ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu, ngoài thực hiện tốt vệ sinh và hạn chế nín tiểu lâu thì uống đủ nước là rất quan trọng.
Viện Tiểu đường, Tiêu hóa và Bệnh thận Quốc gia Mỹ khuyến cáo mọi người nên uống ít nhất 2 lít nước/ngày. Nếu thời tiết nóng bức hay tập luyện thể thao thì cần uống nhiều hơn.
Các nghiên cứu cũng cho thấy uống nước ép nam việt quất sẽ giúp giảm nguy nguy tái phát nhiễm trùng đường tiết niệu. Lợi ích này có được là do các dưỡng chất trong nước ép có khả năng ngăn vi khuẩn bám vào mô đường tiết niệu, nhờ đó giảm nguy cơ tái nhiễm, theo Healthline.
Nguồn: https://thanhnien.vn/tac-hai-bat-ngo-anh-huong-tieu-tien-do-uong-nhieu-khang-sinh-185230919195008534.htm