Nhiều người sử dụng giấm táo trong chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, việc dùng đồng thời giấm táo cùng một số loại thuốc có thể làm giảm hiệu quả của thuốc, thậm chí gây tác dụng phụ nguy hiểm…
Giấm táo là loại nước lên men từ táo tươi, chứa một số vitamin, khoáng chất, chất xơ, axit axetic và axit citric… hỗ trợ cải thiện sức khỏe làn da , lượng đường trong máu và kiểm soát cân nặng hiệu quả. Tuy nhiên đối với những người đang dùng thuốc điều trị cần lưu ý tương tác bất lợi khi uống cùng giấm táo.
Dưới đây là một số thuốc không nên uống cùng giấm táo:
1. Giấm táo có thể tương tác với thuốc trị đái tháo đường
Giấm táo có thể làm giảm lượng đường trong máu ở những người bị đái tháo đường . Do đó, có thể làm tăng nguy cơ hạ đường huyết, khi dùng cùng các thuốc trị đái tháo đường như: Glucophage, metformin, glucotrol (glipizide), insulin, ozempic/wegovy (semaglutide).
Các dấu hiệu của hạ đường huyết bao gồm: Cảm thấy yếu, nhịp tim nhanh, đổ mồ hôi, đói, lú lẫn, ngất xỉu và co giật…
2. Thuốc trợ tim digoxin
Digoxin là thuốc được kê đơn để điều trị các bệnh về tim như rung nhĩ và suy tim . Việc dùng digoxin và giấm táo sẽ làm tăng nguy cơ quá liều thuốc dẫn tới ngộ độc. Các triệu chứng ngộ độc digoxin bao gồm: Lú lẫn, giảm ý thức, khó thở, nhịp tim nhanh, mất cảm giác thèm ăn, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, thay đổi thị lực.
3. Thuốc lợi tiểu
Thuốc lợi tiểu dùng trong điều trị các bệnh về tim và mạch máu, giúp cơ thể loại bỏ lượng chất lỏng dư thừa, bao gồm hydrochlorothiazide, chlorothiazide và lasix (furosemide). Giấm táo làm giảm kali máu và một số thuốc lợi tiểu cũng làm giảm mức kali. Vì thế nếu dùng giấm táo với thuốc lợi tiểu làm giảm kali sẽ tăng nguy cơ bị hạ kali máu.
Các triệu chứng hạ kali máu bao gồm: Lú lẫn, mệt mỏi, chuột rút cơ bắp, tim đập nhanh/nhịp tim bất thường, yếu cơ hoặc tê liệt. Điều trị hạ kali máu phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và biến chứng.
4. Thuốc nhuận tràng kích thích
Thuốc nhuận tràng kích thích giúp thúc đẩy nhu động ruột, thường được dùng để điều trị táo bón và các vấn đề sức khỏe đường tiêu hóa khác. Các thuốc nhuận tràng bao gồm senna và dulcolax (bisacodyl)…
Uống một số loại thuốc nhuận tràng cùng giấm táo có thể làm tăng nguy cơ thiếu kali.
5. Các loại thảo mộc có chứa glycoside tim
Glycoside tim được sử dụng để điều trị các bệnh về tim như rung nhĩ hoặc suy tim. Có nhiều loại thảo mộc chứa glycoside tim bao gồm mao địa hoàng, trúc đào và linh lan. Dùng giấm táo với các loại thảo mộc có chứa glycoside tim có thể dẫn đến tác dụng phụ nguy hiểm.
6. Rễ cam thảo
Chất bổ sung chiết xuất từ rễ cam thảo được sử dụng để hỗ trợ các tình trạng như vấn đề tiêu hóa, triệu chứng mãn kinh và nhiễm trùng. Khi sử dụng trong thời gian dài hoặc với liều lượng cao, chất bổ sung này có thể làm tăng huyết áp và làm giảm nồng độ kali. Dùng cam thảo và giấm táo cùng nhau có thể làm tăng nguy cơ hạ kali máu.
7. Cỏ đuôi ngựa
Cỏ đuôi ngựa (horsetail) là một loại thảo mộc từ cây Equisetum, có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm. Loại thảo mộc này được sử dụng để giúp loại bỏ chất lỏng khỏi cơ thể, điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu, cải thiện sức khỏe của da, tóc và xương.
Một tác dụng phụ tiềm ẩn của loại thảo mộc này là làm giảm kali. Dùng cỏ đuôi ngựa và giấm táo có thể làm tăng nguy cơ hạ kali máu.
Lưu ý, đối với những người đang dùng thuốc điều trị cần trao đổi với bác sĩ khi sử dụng giấm táo. Nếu gặp các dấu hiệu hoặc triệu chứng của lượng đường trong máu thấp hoặc kali thấp khi dùng giấm táo cần báo ngay cho bác sĩ để kịp thời xử trí.
Nguồn: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/nhung-loai-thuoc-nao-khong-nen-uong-cung-giam-tao-172250110224538117.htm