Đối với người lãnh đạo, nếu không được ai thấu hiểu, không ai ủng hộ ý tưởng của mình, cũng là sự cô đơn, thậm chí là cô độc. Nhưng những người chịu được nỗi đau của sự cô đơn và tìm cách vượt qua, kiên định với mục tiêu đã chọn, tìm ra hướng đi, chắc chắn sẽ thành công về sau.
Đó là lời tâm sự của CEO Phạm Thu Thảo – một nữ doanh nhân đã gặt hái được nhiều thành công trong lĩnh vực thiết kế nội thất, đồ gỗ phong thuỷ, đầu tư kinh doanh BĐS…
Tiêu chí trong hoạt động kinh doanh mà chị đề ra cho cấp dưới là gì?
Đó là sự chân thành và trung thực. Đây là hai tiêu chí quan trọng áp dụng cho tất cả các dự án mà mình đang xây dựng. Chỉ có chân thành và trung thực, chúng ta mới thuyết phục và giữ chân khách hàng.
Một nhà lãnh đạo tài giỏi là người có nhiều nguyên tắc, vậy chị tâm đắc nhất với nguyên tắc nào trong điều hành doanh nghiệp.
Trong suốt thời gian xây dựng và hoạt động doanh nghiệp, phát triển các dự án, Thảo cảm thấy tâm đắc nhất là “Nhân tài luôn được trọng dụng” và mình không ngừng tìm kiếm, phát hiện người tài.
Những người tài họ đều có cái hay, cái giỏi riêng, khi kết hợp lại, mình sẽ có được một đội ngũ nhân tài hùng hậu để thực hiện các mục tiêu đề ra. Nhưng muốn thu hút người giỏi, trước tiên mình phải cố gắng hơn gấp nhiều lần bình thường. Hai điều này có mối liên hệ mật thiết với nhau, vừa là nguyên tắc nhưng cũng là sự thúc đẩy, là động lực.
Chị có bí quyết bán hàng hay chăm sóc khách hàng nào muốn chia sẻ không?
Thảo đưa ra khá nhiều chuẩn mực trong kinh doanh cũng như các hoạt động chăm sóc khách hàng. Nhưng để chia sẻ với mọi người thì có 5 yếu tố nhất định phải được quan tâm nếu bạn muốn được khách hàng yêu thương và ủng hộ lâu dài: Chuẩn hóa lời chào khách hàng; Đồng cảm với khách hàng; Tìm hiểu gốc rễ, nguyên nhân khi xảy ra sự cố; Tìm và đưa ra một giải pháp phù hợp; Đừng quên lời cảm ơn khách hàng trong mọi tình huống.
Mình cũng thích quan điểm, hãy xem khách hàng như người thân, chắc chắn bạn sẽ bán được hàng.
Theo chị, để một doanh nghiệp phát triển bền vững, yếu tố quan trọng nhất là gì?
Chắc chắn là đội ngũ nhân sự rồi. Nhân sự giỏi thì bộ máy lớn mạnh và hoạt động hiệu quả và đủ sức đối mặt với thương trường biến động khôn lường. Nhưng bên cạnh đó có một thách thức là phải có khả năng quản lý nhân sự, thúc đẩy và tạo động lực cho họ. Có thể họ là người giỏi, nhưng nếu vào một tổ chức nào đó mà không được tạo động lực mỗi ngày, rất khó để họ đi đường dài với mình.
Doanh nghiệp cũng nên tạo dựng nét văn hoá riêng, đặc trưng và nhất quán. Như vậy các nhân sự của doanh nghiệp đó sẽ cảm thấy hài lòng và có sự gắn kết hơn.
Ngoài ra, một doanh nghiệp chú trọng vào chăm lo đời sống tinh thần, xây dựng các chế độ chăm sóc sức khoẻ cho nhân viên cũng sẽ hấp dẫn các nhân sự giỏi. Điều này đã và đang được triển khai rất tốt trong các tổ chức của mình.
Đó là với công ty nói chung, còn với cá nhân chị, chị sẽ làm việc với cấp dưới như thế nào?
Mình thường giao việc theo tiêu chí đúng người đúng việc, để nhân sự phát huy điểm mạnh của họ. Nếu giao một công việc không phù hợp, sẽ tạo thêm thách thức cho nhân sự và cho cả công ty.
Do đó, việc xác định sự phù hợp của nhân sự cho công việc rất quan trọng. Chọn sai nhân sự ngay từ đầu thì sẽ kéo theo sự trì trệ của cả đoàn tàu và thậm chí gây ra nhiều hệ luỵ khác.
Trên con đường sự nghiệp của mình, chị thận trọng bước từng bước hay vận dụng tốc lực để chạm đến vạch đích?
Điều này lại tuỳ thuộc vào từng giai đoạn. Giai đoạn khởi đầu chắc chắn là sự cẩn trọng từng bước một, để thử nghiệm, và có thể rút ra bài học trước thất bại, tiếp tục làm lại. Cho đến khi gần về đến vạch đích, phải tăng tốc để bứt phá và nhanh chóng chạm vạch đích.
Chị có thể chia sẻ về phong cách lãnh đạo của chị không?
Phong cách của mình có hơi màu sắc của quân đội như là: phải có thể lực tốt để giải quyết công việc và đối mặt với áp lực, khả năng phán đoán để đưa ra quyết định chính xác, sự cứng rắn để đưa mọi thứ, mọi người vào khuôn khổ khi cần thiết.
Nhà lãnh đạo cũng cần có sự khéo léo, tinh tế để nhìn nhận và giải quyết vấn đề theo cách công bằng, văn minh. Mình tuyệt đối tránh rơi vào sự độc đoán và áp đặt, điều này khiến nhân viên cấp dưới rất khó chịu và tạo ra những bất mãn âm ỉ, cuối cùng là sự ra đi của họ.
Người ta nói, một doanh nhân thường phải đối mặt với sự cô đơn. Chị có thấy như thế không?
Thực ra nếu bạn để ý thì sẽ thấy, ai cũng có nỗi cô đơn, chỉ là nó ở hình dạng nào thôi. Đối với người kinh doanh, người lãnh đạo, nỗi cô đơn chính là việc không được ai thấu hiểu và ủng hộ. Bởi vì quan điểm mỗi người là khác nhau. Đứng trước một dự án hay một quyết định lớn, cần đến góp ý của cộng sự, nếu không có được sự đồng thuận, và không biết chia sẻ cùng ai, thì cũng chính là sự cô đơn.
Nhưng những người chịu đựng được sự cô đơn và tìm cách vượt qua được, lại là người rất xuất chúng, thường gặt hái được thành công lớn. Họ sẽ tập trung hết tâm trí vào công việc, cả ngày lẫn đêm, để tìm ra hướng đi tốt nhất và để lấp đầy nỗi cô đơn khi đứng trên cao.
Chị nghĩ sao về chuyện lập gia đình ở thời điểm hiện tại?
Mình vẫn đang chờ đợi một người đàn ông phù hợp và biết thông cảm. Phù hợp về quan điểm sống, hệ tư tưởng, và thông cảm cho việc người phụ nữ của mình sẽ thường xuyên xuất hiện ở những cuộc họp lớn chứ không phải là có mặt ở nhà. Mình cảm thấy khá là khó để tìm kiếm một người như thế, nhưng hãy cứ để thời gian trả lời.
Xin cảm ơn chị và chúc chị sẽ thành công hơn nữa và sớm tìm được một nửa phù hợp của đời mình.