
Chuyên gia tâm lý gợi ý bố mẹ cách dạy con tự kỷ biết cách bảo vệ mình khi bị bắt nạt.
Trẻ tự kỷ, với những đặc điểm riêng biệt trong giao tiếp và hành vi, có thể gặp nhiều khó khăn trong việc đối phó với các tình huống xã hội, đặc biệt là khi bị bắt nạt hoặc bạo lực.
Do đó, việc giáo dục trẻ về khái niệm bắt nạt là rất quan trọng. Bố mẹ cần giúp trẻ nhận diện các hành vi bắt nạt, từ những lời châm chọc, chế giễu đến hành vi bạo lực thể chất.
Bố mẹ có thể bắt đầu dạy trẻ cách nhận biết và hiểu các tình huống có thể dẫn đến bắt nạt. Sử dụng hình ảnh và ví dụ cụ thể để giúp trẻ nhận diện những hành vi không phù hợp.
Ảnh minh họa.
Một môi trường an toàn và hỗ trợ là rất quan trọng để trẻ tự kỷ có thể phát triển kỹ năng. Hay tạo ra các buổi thảo luận nhóm về vấn đề bắt nạt cũng có thể giúp trẻ nhận thấy rằng mình không đơn độc.
Đồng thời khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động nhóm nhằm học hỏi và phát triển kỹ năng xã hội. Các hoạt động như thể thao, nghệ thuật hoặc các câu lạc bộ có thể tạo ra cơ hội cho trẻ giao tiếp và xây dựng mối quan hệ tích cực.
Dạy trẻ tự kỷ kỹ năng đối phó với bắt nạt và bạo lực là một quá trình quan trọng và liên tục. Bằng cách trang bị cho trẻ những kỹ năng cần thiết và tạo ra một môi trường hỗ trợ, giúp trẻ tự tin hơn trong việc bảo vệ bản thân. Về tính chất đặc biệt ở vấn đề này, chuyên gia tâm lý Quang Thị Mộng Chi đưa ra phân tích sâu sắc hơn, cũng như gợi ý bố mẹ cách dạy con tự kỷ biết cách bảo vệ mình khi bị bắt nạt.
Chuyên gia tâm lý Quang Thị Mộng Chi.
Thưa chuyên gia bố mẹ nhìn vào dấu hiệu nào để nhận thấy trẻ tự kỷ có thể đang bị bắt nạt hoặc bạo lực?
Trẻ tự kỷ thường gặp khó khăn trong việc diễn đạt cảm xúc, hiểu ngữ cảnh xã hội và kêu gọi sự giúp đỡ – điều này khiến các em dễ trở thành nạn nhân thầm lặng của bắt nạt hoặc bạo lực mà người lớn xung quanh không dễ nhận ra.
Trong nhiều trường hợp, trẻ không thể nói rõ “con bị đánh”, “con sợ bạn” hay “ai đó làm đau con”, nhưng cơ thể và hành vi của trẻ luôn phát đi những tín hiệu cảnh báo mà bố mẹ cần đặc biệt quan tâm.
Những thay đổi đột ngột như sợ đi học, khóc lóc khi đến lớp, dễ cáu kỉnh, rút lui khỏi giao tiếp, hoặc có các hành vi cực đoan như tự đập đầu, cấu véo bản thân – đều là những dấu hiệu đáng báo động.
Bên cạnh đó, bố mẹ cũng nên chú ý đến những biểu hiện thể chất như vết bầm tím, trầy xước không rõ nguyên nhân, quần áo rách, đồ dùng mất thường xuyên, hoặc những than phiền mơ hồ như đau bụng, đau đầu.
Ở khía cạnh cảm xúc, nếu trẻ trở nên lo âu, ngủ không ngon, hay gặp ác mộng, biếng ăn… thì đó cũng có thể là biểu hiện của căng thẳng tâm lý kéo dài. Đặc biệt, với trẻ chưa có ngôn ngữ hoặc ngôn ngữ hạn chế, các em có thể “nói” qua tranh vẽ, trò chơi tưởng tượng, hành vi lặp lại những cảnh đe dọa hoặc mối quan hệ quyền lực.
Bố mẹ cần quan sát kỹ các thay đổi của con, không so sánh với trẻ khác mà so với chính con trước đây. Mỗi thay đổi nhỏ, mỗi biểu hiện khác thường – đều có thể là cách con đang lên tiếng, dù không bằng lời. Và khi bố mẹ biết lắng nghe đúng lúc, đó chính là cách bảo vệ con khỏi những tổn thương không đáng có.
Có thể dạy trẻ tự kỷ đối mặt, giải quyết xung đột khi bị bạn bắt nạt thế nào trong trường hợp không có bố mẹ ở bên?
Hoàn toàn có thể dạy trẻ tự kỷ cách đối mặt và xử lý tình huống bị bắt nạt, dù khi đó không có bố mẹ bên cạnh – nhưng điều quan trọng là phải dạy từ từ, cụ thể và lặp lại thường xuyên, theo đúng khả năng nhận thức và giao tiếp của từng trẻ.
Trước hết, bố mẹ và người chăm sóc cần giúp trẻ nhận biết thế nào là hành vi bắt nạt – có thể qua tranh ảnh, video minh họa, hoặc đóng vai tình huống đơn giản. Trẻ cần hiểu rằng bị đánh, bị trêu chọc, bị tách khỏi nhóm chơi, bị lấy đồ mà không đồng ý là không đúng, và trẻ có quyền phản ứng.
Tiếp theo, hãy dạy trẻ những phản ứng an toàn và dễ nhớ trong tình huống bị bắt nạt như:
– “Bước ra khỏi chỗ đó” – nếu thấy nguy hiểm hoặc bị làm phiền, con có thể rời khỏi tình huống.
– “Nói lớn: Đừng làm vậy!” – dạy trẻ nói câu đơn giản, rõ ràng để thể hiện ranh giới.
– “Tìm người lớn gần nhất” – giúp trẻ biết tìm đến ai khi cần: cô giáo, bảo vệ, nhân viên trong trường.
– Với trẻ chưa nói được, có thể dạy ký hiệu tay, thẻ hình, hoặc nút gọi trợ giúp (nếu có thiết bị hỗ trợ giao tiếp).
Việc diễn tập thường xuyên tại nhà hoặc trong môi trường học đường, cùng với sự phối hợp của giáo viên, sẽ giúp trẻ nhớ và sử dụng những kỹ năng này khi cần. Ngoài ra, bố mẹ nên khen ngợi và củng cố tích cực mỗi khi con phản ứng phù hợp, kể cả trong trò chơi đóng vai – để trẻ cảm thấy tự tin và có quyền bảo vệ mình.
Trẻ tự kỷ không hiểu được ngữ cảnh xã hội, bố mẹ dạy trẻ cách đọc tín hiệu xã hội như thế nào để giảm thiểu nguy cơ bị bắt nạt?
Đúng là trẻ tự kỷ thường gặp khó khăn trong việc hiểu các tín hiệu xã hội ngầm như ánh mắt, nét mặt, giọng điệu hay cử chỉ – những thứ mà trẻ phát triển điển hình có thể “đọc” một cách tự nhiên. Điều này khiến trẻ dễ bị hiểu lầm, không nhận ra nguy hiểm hoặc không biết khi nào mình đang bị trêu chọc, cô lập hay bắt nạt.
Tuy nhiên, hoàn toàn có thể dạy trẻ kỹ năng này nếu chúng ta sử dụng những phương pháp trực quan, cụ thể và kiên trì lặp lại. Chẳng hạn, phụ huynh có thể dùng hình ảnh, tranh truyện, hoặc video mô phỏng các tình huống xã hội gần gũi như bạn giận, bạn không muốn chơi, bạn đang buồn… để giúp trẻ tập nhận diện biểu cảm khuôn mặt và hành vi đi kèm.
Ngoài ra, hoạt động đóng vai cũng rất hiệu quả: Bố mẹ và trẻ cùng nhập vai các tình huống thường gặp ở trường như bị giành đồ chơi, bị từ chối chơi chung, rồi cùng thảo luận “bạn đang nghĩ gì?”, “con nên làm gì tiếp theo?”
Đối với nhiều trẻ tự kỷ, chúng ta cần dạy rõ cả những điều người khác thường chỉ hiểu ngầm, ví dụ: “khi người ta cười nhưng giọng nói to và lấy đồ của con, đó có thể là hành vi bắt nạt, không phải bạn đang đùa đâu”.
Bảng tín hiệu cảm xúc và hành động tương ứng cũng là một công cụ trực quan hữu ích để trẻ nhớ lâu. Quan trọng nhất, mỗi khi trẻ nhận biết và phản ứng đúng với tín hiệu xã hội, dù rất nhỏ, hãy khen ngợi con để củng cố. Việc này không chỉ giúp trẻ tự bảo vệ bản thân tốt hơn, mà còn tăng khả năng hòa nhập và tự tin trong môi trường học đường.
Khi trẻ tự kỷ tham gia các hoạt động nhóm, làm thế nào để khuyến khích trẻ xây dựng mối quan hệ tích cực với bạn bè nhằm giảm thiểu nguy cơ bị bắt nạt?
Khi trẻ tự kỷ tham gia các hoạt động nhóm, việc khuyến khích trẻ xây dựng mối quan hệ tích cực với bạn bè không chỉ giúp con hòa nhập tốt hơn mà còn là một yếu tố quan trọng giúp giảm nguy cơ bị bắt nạt. Tuy nhiên, điều này cần được xây dựng từng bước một, có hướng dẫn rõ ràng và sự hỗ trợ từ người lớn.
Trước hết, bố mẹ và giáo viên nên lựa chọn những hoạt động có cấu trúc rõ ràng, vai trò cụ thể để trẻ cảm thấy an toàn và biết mình cần làm gì, chẳng hạn như trò chơi chia đội, vẽ tranh theo nhóm, xếp hình cùng nhau… Với trẻ tự kỷ, sự mơ hồ trong tương tác dễ khiến các em lo lắng hoặc rút lui, nên những hoạt động có quy tắc và mục tiêu rõ ràng sẽ giúp trẻ dễ tham gia hơn.
Ngoài ra, nên bắt đầu với những nhóm nhỏ, ưu tiên ghép trẻ với một vài bạn kiên nhẫn, thân thiện và có hiểu biết về sự khác biệt của trẻ.
Trong các buổi chơi hoặc học nhóm, người lớn cần làm mẫu cách chào hỏi, chia sẻ, mời bạn cùng chơi, chờ đến lượt – đây đều là những kỹ năng xã hội đơn giản nhưng rất cần thiết để xây dựng mối quan hệ tích cực.
Bố mẹ và giáo viên cũng nên quan sát và khen ngợi ngay khi trẻ có hành vi tích cực với bạn, dù chỉ là ánh mắt, một lời mời chơi hay một lần nhường đồ. Sự ghi nhận này sẽ giúp trẻ hiểu rằng kết nối với người khác là điều dễ chịu và đáng được lặp lại.
Cuối cùng, có thể hỗ trợ bạn cùng nhóm hiểu hơn về bạn tự kỷ qua những buổi trò chuyện nhẹ nhàng, sử dụng ngôn ngữ phù hợp với lứa tuổi, để từ đó tạo nên một môi trường học đường bao dung và chủ động gắn kết – thay vì chỉ chờ trẻ tự kỷ “phải cố gắng hoà nhập”.
Nguồn: https://arttimes.vn/gia-dinh/chuyen-gia-tam-ly-4-cach-de-nho-day-tre-tu-ky-phong-than-an-toan-khi-bi-bat-nat-ngoai-duong-c59a60774.html