Thoạt nhìn, bật máy lạnh và mở nhạc lên, ô tô có vẻ như một nơi lý tưởng để chợp mắt.
Tuy nhiên, như một chuyên gia cho biết, đã có người chết vì ngủ trong ô tô bật điều hòa. Vì vậy, bạn chớ bao giờ làm điều dại dột này, bạn có thể chết trong vòng chưa đầy 1 giờ, theo tờ Gulf News (UAE).
Tiến sĩ Babu Shershad từ Trung tâm Y tế First Medical Centre (Dubai, UAE) sẽ giải thích rõ về điều này.
1. Tại sao ngủ trong ô tô nổ máy bật máy lạnh có thể bị chết ngạt?
Nếu các chức năng cơ học của ô tô không đạt tiêu chuẩn, khả năng rò rỉ khí thải ô tô vào trong xe trong khi ngủ có thể làm tăng nguy cơ ngạt thở vì nó sẽ làm giảm mức oxy bên trong ô tô.
Tuy nhiên, điều chính cần chú ý là sự tích tụ khí carbon monoxide (CO) có thể do rò rỉ từ ống xả.
CO là khí gây độc cho máu, sự gia tăng nồng độ CO trong xe thực sự có thể làm giảm lượng oxy vào máu, do CO liên kết với các tế bào hồng cầu và thế chỗ của oxy.
Điều này dẫn đến việc máu mang nhiều CO hơn, và thiếu oxy gây ngạt thở, cuối cùng dẫn đến sốc hoặc nghiêm trọng là tử vong.
Ngay cả trong trường hợp ô tô có hệ thống điều hòa hoạt động tốt, việc lưu thông không khí trong không gian nhỏ có thể bị ảnh hưởng. Ngay cả khi không khí lưu thông vào và ra khỏi xe, vẫn không đủ để một người hít thở trong một không gian kín, theo Gulf News.
Hạ kính cửa ô tô xuống có an toàn không?
Một quan niệm sai lầm phổ biến khác của nhiều người là nghĩ rằng hạ kính cửa ô tô xuống sẽ làm thông gió đầy đủ trong ô tô. Tiến sĩ Shershad cho biết: Ngay cả khi hạ kính cửa xe xuống, khí CO vẫn tích tụ ở mức thấp hơn, sau một khoảng thời gian sẽ làm giảm lượng oxy trong máu và khiến người ngủ mất nước và chất lỏng trong cơ thể, theo Gulf News.
Tại sao có thể thức trong xe nhưng lại không thể ngủ?
Câu trả lời là nếu thức, bạn sẽ cảm thấy ngạt và hành động ngay. Nhưng khi ngủ, bạn sẽ khó nhận biết được các triệu chứng của ngộ độc CO.
Các bác sĩ khuyên người lái xe chỉ nên ngủ trong xe trong trường hợp khẩn cấp và nên luôn có những khoảng nghỉ ngắn ra khỏi xe khi lái xe trong thời gian dài.
2. Làm sao để biết bị ngộ độc khí CO?
Các dấu hiệu và triệu chứng ngộ độc khí CO có thể bao gồm: Đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, nôn mửa, đau ngực, khó thở, lú lẫn, co giật, hôn mê, theo tờ Says (Malaysia) dẫn nguồn tin từ Bộ Y tế Malaysia,
Hít phải khí càng lâu, các triệu chứng sẽ càng nặng.
Hơn nữa, mất ý thức có thể xảy ra trong thời gian ngắn nếu có nhiều CO trong không khí.
Người tỉnh táo có thể nhận ra những triệu chứng này và có hành động ngay.
Tuy nhiên, điều nguy hiểm khi ngủ trong ô tô là người ngủ có thể chết trong khi ngủ do ngộ độc khí CO mà không hề có triệu chứng.
3. Có thể làm gì để ngăn ngừa ngộ độc CO?
Bởi vì không thể nhìn hoặc ngửi thấy khí CO nên cách tốt nhất là tránh tiếp xúc ngay từ đầu.
Để bảo vệ bản thân khỏi ngộ độc khí CO, bạn nên:
– Thường xuyên kiểm tra và quan sát hệ thống ống xả ô tô. Rò rỉ trong hệ thống ống xả có thể cho phép khí CO xâm nhập vào xe.
– Luôn sửa chữa xe, ngay cả sau một tai nạn nhỏ. Bất kỳ hư hỏng hoặc lỗ hổng nào trong xe có thể tạo điều kiện cho khói bay vào trong xe nhiều.
– Không bao giờ nổ máy xe đỗ trong khu vực kín. Ngay cả khi mở cửa sổ hoặc cửa nhà để xe, khí CO có thể đạt đến mức nguy hiểm trong xe.
– Lắp đặt máy dò khí CO trong xe là cách an toàn nhất.
Cuối cùng và quan trọng nhất, tất nhiên, đừng ngủ trong xe đang nổ máy và bật máy lạnh, theo Says.
Nguồn: https://thanhnien.vn/chuyen-gia-noi-gi-ve-ngu-trong-o-to-bat-dieu-hoa-co-the-bi-chet-ngat-185230603072443146.htm