Có 3 điểm khác nhau rõ ràng giữa đứa trẻ trưởng thành trong gia đình hạnh phúc và đứa trẻ trưởng thành trong gia đình tan vỡ.
Trên thực tế, một mối quan hệ hôn nhân có thể kết thúc dễ dàng, nhưng để chữa lành những tổn thương trong tâm trí của những đứa con thì không hề dễ dàng. Những tổn thương đó có thể kéo dài trong nhiều năm, đến khi trẻ trưởng thành, và đôi khi dù mất cả đời thì cũng không đủ để xoá nhoà.
Khi một gia đình có bố mẹ ly hôn, thường thì sự đồng cảm và thương cảm dành cho trẻ em là điều được đặt lên hàng đầu. Trẻ em sống trong gia đình ly tán, đặc biệt là thiếu mất đi sự nuôi dưỡng của bố hoặc mẹ, sẽ có thể gặp phải nhiều khó khăn và thiệt thòi trong quá trình phát triển.
Tuy nhiên, vì thương con, nhiều gia đình vẫn cố gắng giữ lại một mối quan hệ hôn nhân không còn hạnh phúc, thậm chí còn giả vờ yêu thương trước mặt con để cho con có thể cảm nhận, nhìn thấy. Điều này đặc biệt áp đặt nặng nề lên phụ nữ, vì họ thường chịu áp lực để giữ lại một gia đình trọn vẹn nhất cho những đứa con của mình.
Đứa trẻ lớn lên trong gia đình không hạnh phúc là một thiệt thòi lớn, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ (Ảnh minh hoạ Internet).
Tuy nhiên, từ góc độ của trẻ, liệu việc giữ mãi một mối quan hệ không hạnh phúc có thực sự là điều tốt cho sự phát triển của trẻ? Việc ly hôn có thể gây ra những tác động tiêu cực cho trẻ, nhưng việc sống trong một môi trường không hạnh phúc cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý và tinh thần của trẻ.
Vấn đề này là nỗi đau đáu trong lòng của nhiều bố mẹ khi đứng trước quyết định ly hôn, để giải thoát cho nhau và tìm kiếm hạnh phúc mới. Việc ly hôn có thể là một quyết định khó khăn và đòi hỏi sự suy nghĩ kỹ lưỡng, vì nó có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực đến cả hai bên và đặc biệt là con cái.
Để bố mẹ có thêm góc nhìn, cũng là một lời khuyên dành cho bố mẹ khi đứng trước hoàn cảnh này, chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Vui đã có một số chia sẻ từ quan điểm của người làm trong ngành tâm lý trẻ em, giúp bố mẹ rơi vào tình huống này có thể đưa ra quyết định phù hợp và tốt nhất đối với trẻ.
Thạc sĩ Tâm lý, Giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học KHXH&NV ĐHQG – TPHCM.
Thưa chuyên gia, việc bố mẹ ly hôn sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tâm sinh lý của trẻ?
Tuỳ theo độ tuổi mà việc bố mẹ ly hôn sẽ có ảnh hưởng khác nhau đến trẻ, thường thì vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và sau đó sẽ “kéo” sang sinh lý. Tác động nặng nề nhất có thể kể đến trẻ đang trong các giai đoạn chuyển tiếp, chẳng hạn như khủng hoảng tuổi lên 3, khủng hoảng tuổi học đường và đặc biệt là khủng hoảng tuổi thiếu niên.
Có nhiều nghiên cứu ở Việt Nam và trên thế giới đã chứng minh được rằng, hậu quả khi bố mẹ ly hôn đối với trẻ ở độ tuổi dậy thì sẽ dẫn đến rất nhiều vấn đề. Cụ thể như trẻ sẽ cảm thấy sốc, và không có đủ năng lực để có thể chấp nhận sự thật này một cách dễ dàng nhất. Thậm chí trong một vài trường hợp, đứa trẻ sẽ cảm thấy việc bố mẹ ly hôn là lỗi do mình.
Sẽ rất hiếm trẻ hiểu được vấn đề này và sẵn sàng đón nhận nó. Tuy nhiên kể cả khi trẻ bộc lộ sự chấp nhận việc bố mẹ ly hôn, thì tâm lý bên trong, sức khoẻ tinh thần bên trong trẻ cũng sẽ diễn biến khác nhau, và nguy hiểm hơn là vấn đề này ảnh hưởng lớn đến quan điểm về hôn nhân, gia đình của trẻ sau này.
Có sự khác biệt ra sao giữa đứa trẻ lớn lên trong một gia đình hạnh phúc trọn vẹn và đứa trẻ lớn lên trong gia đình bố mẹ ly hôn?
Có nhiều sự khác biệt giữa đứa trẻ lớn lên trong gia đình hạnh phúc trọn vẹn, và đứa trẻ lớn lên trong gia đình bố mẹ ly hôn. Sự khác biệt đầu tiên là tình yêu thương.
Khi một đứa trẻ lớn lên trong một gia đình hạnh phúc trọn vẹn, bố mẹ luôn làm tròn thiên chức làm cha, làm mẹ của mình thì con cái dĩ nhiên sẽ cảm nhận được rất rõ ràng việc bản thân được yêu thương và được che chở. Từ đó trẻ sẽ học tập theo bố mẹ. Ngược lại thì điều này chắc chắn sẽ không có được đối với đứa trẻ lớn lên trong gia đình bố mẹ ly hôn.
Khác biệt thứ 2 là đứa trẻ lớn lên trong gia đình hạnh phúc trọn vẹn sẽ nhìn bản thân, nhìn con người, nhìn thế giới với “con mắt” lạc quan, yêu đời, tin tưởng. Ngược lại, đứa trẻ lớn lên trong gia đình có bố mẹ ly hôn thì sẽ đón nhận mọi thứ với “con mắt” hoài nghi, khắc nghiệt và bi quan hơn.
Điều khác biệt thứ 3 là đứa trẻ lớn lên trong gia đình hạnh phúc trọn vẹn, thì sẽ có một niềm tin vào bản thân, đó là mình được yêu thương, được chấp nhận và mình xứng đáng với điều đó. Nhưng khi trẻ lớn lên trong gia đình bố mẹ ly hôn, thì trẻ sẽ có cách diễn giải khác về bản thân, cho rằng bản thân không đủ tốt để có được hạnh phúc trọn vẹn.
Có ý kiến cho rằng: “Gia đình xấu sẽ làm tổn thương con cái nhiều hơn ly dị”, chuyên gia có quan điểm như thế nào về điều này?
Đối với quan điểm của tôi, tôi đồng ý nhưng cũng không phải hoàn toàn đối với ý kiến này. Đồng ý vì giả sử bố mẹ ly dị, thì đứa trẻ phải tập chấp nhận cuộc sống chỉ có thể có mẹ hoặc có bố, nhưng điều này sẽ bớt tổn thương hơn việc trẻ hàng ngày phải chứng kiến cảnh bố mẹ cãi nhau, xung đột, thậm chí là dùng bạo lực với nhau.
Tuy nhiên lý do khiến tôi không hoàn toàn đồng ý, vì tôi đã từng thấy nhiều trường hợp bố mẹ viện cớ, nguỵ biện ý kiến trên để làm nguyên nhân đưa bố mẹ đến với quyết định ly dị. Tôi tin rằng, gia đình nào cũng sẽ có những giai đoạn “cơm không lành, canh không ngọt” nhưng nếu bố mẹ không cố gắng mà đã vội vàng ly hôn, thì tôi nghĩ điều này là không nên. Vì gia đình xấu có thể có cơ hội thay đổi được, nhưng nếu đã ly hôn thì gần như nó đã là một sự kết thúc.
Đó là lý do mà bố mẹ hãy cho con cái thấy được nỗ lực vun đắp, hàn gắn và xây dựng hạnh phúc gia đình của cả bố và mẹ. Điều này sẽ tạo ảnh hưởng tốt cho trẻ, khi trẻ bước vào hôn nhân trong tương lai, trẻ có thể lấy bố mẹ làm gương.
Nếu không thể cứu vãn và chọn con đường ly hôn, bố mẹ có thể giảm tác hại cho con cái bằng những cách nào?
Trước tiên thì chúng ta cần xem xét các yếu tố, yếu tố đầu tiên là tuỳ theo gia đình có bao nhiêu con cái, con cái đang ở trong độ tuổi nào, đặc thù tính cách của con ra sao? Yếu tố thứ 2 là bố mẹ ly hôn vì lý do gì, vì ngoại tình, kinh tế, người thân,… Xét theo từng bối cảnh của mỗi gia đình mà người lớn chọn những cách phù hợp để hạn chế tác động tiêu cực đến trẻ.
Tuy nhiên tôi tin có một điểm chung, là bố mẹ sẽ phải cùng ngồi lại với nhau để đánh giá lại mức độ nghiêm trọng mà con cái có thể bị ảnh hưởng nếu bố mẹ quyết định ly hôn. Nếu sau khi bố mẹ đã cùng thống nhất, nhưng vẫn lựa chọn ly hôn thì lúc này bố mẹ nên từ từ nói chuyện, chia sẻ với con.
Tuỳ theo từng độ tuổi, đặc biệt là tuổi thiếu niên thì bố mẹ sẽ áp dụng những cách khác nhau. Quan trọng là bố mẹ nên gợi mở từ từ, để con có thời gian dần hiểu ra vấn đề và đón nhận nó, thay vì quá vồ vập, hấp tấp sẽ dễ khiến trẻ bị sốc, dẫn đến việc khó chấp nhận sự thật hơn.
Bố mẹ cần giải thích từng chút một, chậm rãi với thái độ nhẹ nhàng, yêu thương. Tuyệt đối không tranh cãi, đổ lỗi hoặc vạch tội nhau trước mặt con cái. Sau khi đã giải thích cho con hiểu, bố mẹ phải lắng nghe suy nghĩ và quan điểm của con về vấn đề này, thường xuyên theo dõi con để có thể kịp thời phát hiện những phát sinh về sau này. Nếu ly hôn là sự “giải thoát” cho bố mẹ, nhưng đối với con cái nó lại là “gánh nặng” thì bố mẹ tuyệt đối lưu ý, không xem nhẹ để tránh gây tổn thương nặng nề đến trẻ.
Nguồn: https://arttimes.vn/gia-dinh/thac-si-tam-ly-co-3-khac-biet-lon-giua-dua-tre-song-trong-gia-dinh-hanh-phuc-va-bo-me-ly-hon-c59a31860.html