Đóng

Mẹ và Bé

Con đi học về bảo: Các bạn trong lớp đều nhà giàu, còn nhà mình lại nghèo? Chuyên gia mách câu đáp chuẩn

Chuyên gia tâm lý mách bố mẹ cách đáp chuẩn khi con cái đặt câu hỏi về hoàn cảnh giàu, nghèo của gia đình.

Con đi học về bảo: Các bạn trong lớp đều nhà giàu, còn nhà mình lại nghèo? Chuyên gia mách câu đáp chuẩn - 1

Trẻ em bắt đầu độ tuổi lên 3, sẽ bước vào giai đoạn hay tò mò và thích khám phá, luôn đặt “hàng vạn câu hỏi vì sao” với bố mẹ để thoả mãn những nghi vấn của bản thân về thế giới xung quanh. Trí não của trẻ phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn này, trên thực tế thì không ít bố mẹ thường rơi vào tình huống khó khăn khi phải tìm câu trả lời phù hợp. Trong số đó, việc giải đáp câu hỏi xoay quanh gia cảnh và điều kiện gia đình có thể là thử thách đối với nhiều bậc phụ huynh.

“Mẹ ơi, nhà các bạn trong lớp đều giàu có, vậy còn nhà mình giàu hay nghèo hả mẹ? Mẹ ơi, ngày nào bạn Bảo Bảo cũng được bố đưa đón đến trường bằng ô tô to và đẹp lắm mẹ ạ! Sao nhà mình không mua ô tô mẹ nhỉ?…” – Đó vô tình sẽ là những câu hỏi mà dù muốn hay không thì trong cuộc sống hàng ngày, bố mẹ cũng khó có thể tránh khỏi việc được con đề cập đến.

Đặc biệt, khi trẻ đến giai đoạn đi học, sẽ có thể tinh ý để nhận ra sự khác biệt giữa hoàn cảnh gia đình của mình với các bạn trong lớp, từ đó suy nghĩ so sánh sẽ hình thành và mong muốn được bố mẹ giải đáp một cách thỏa đáng nhất.

Con đi học về bảo: Các bạn trong lớp đều nhà giàu, còn nhà mình lại nghèo? Chuyên gia mách câu đáp chuẩn - 2

Trẻ em thường có sự so sánh, tò mò về gia cảnh của bản thân so với các bạn học (Ảnh minh hoạ).

Trong trường hợp này, bố mẹ nên xem xét một cách cẩn thận để có thể đưa ra câu trả lời khéo léo và phù hợp cho con. Bởi điều này có thể ảnh hưởng đến lối sống, quá trình hình thành nhân cách và tâm lý của trẻ khi trưởng thành.

Để giúp các bậc phụ huynh có cách xử lý đúng đắn trong tình huống về hoàn cảnh của gia đình, chuyên gia tâm lý Lưu Thị Hường sẽ có những chia sẻ và gợi ý bổ ích dưới đây.

Con đi học về bảo: Các bạn trong lớp đều nhà giàu, còn nhà mình lại nghèo? Chuyên gia mách câu đáp chuẩn - 3

Thạc sĩ Tâm lý Lưu Thị Hường

Con đi học về bảo: Các bạn trong lớp đều nhà giàu, còn nhà mình lại nghèo? Chuyên gia mách câu đáp chuẩn - 4

Thưa chuyên gia, bố mẹ nên dạy con về tiền và cho con sử dụng đồng tiền khi nào là thích hợp?

Tài chính, tiền bạc là một phần vô cùng quan trọng trong đời sống hàng ngày. Tuy quan trọng, nhưng mọi người hầu như không được giáo dục về tiền một cách đúng đắn. Trong mỗi gia đình, cách giáo dục về đồng tiền, cách bố mẹ tiêu tiền và cách bố mẹ suy nghĩ về đồng tiền sẽ định hình trong tư duy con trẻ.

Thời điểm bố mẹ nên dạy con về tiền, là thời điểm bố mẹ trò chuyện với con về thế giới xung quanh. Khi trẻ 6 tháng tuổi trở lên, trẻ đã có thể ngồi, lúc đó thế giới của con rộng mở hơn. Bố mẹ giới thiệu, hướng dẫn về mọi thứ xung quanh, trong đó có tiền.

Ví dụ, bố mẹ có thể nói với con, đây là một cái quạt, quạt này làm bằng nhựa (chất liệu), dùng để quạt mát khi mùa hè oi bức (công dụng), bố đã mua chiếc quạt này cách đây 2 năm (thời gian mua), giá là 700 nghìn đồng (giá cả), chiếc quạt này dùng rất tốt (biết ơn)…

Bố mẹ hãy thử áp dụng tương tự cách thức như thế, đối với những món đồ khác trong gia đình. Điều này sẽ giúp con trẻ hiểu được sự đa dạng về thế giới xung quanh, từng bước tiếp cận những kiến thức về tiền, và thông qua đó bố mẹ cũng sẽ không bị bí chủ đề khi nói chuyện với con mỗi ngày.

Khi con 3-4 tuổi trở lên, bố mẹ có thể đưa con đi chợ cùng, cho con quan sát và tạo ra những tình huống để đặt câu hỏi, thảo luận cùng với con. Thông qua những việc như vậy, các bậc bố mẹ có thể dần dần hướng dẫn con rằng, những món đồ được sử dụng và trao đổi bằng tiền như thế nào? Tới khi con 6 tuổi, bố mẹ có thể giao cho con các nhiệm vụ liên quan đến việc dùng tiền, chẳng hạn như nhờ con mua đồ,…

Con đi học về bảo: Các bạn trong lớp đều nhà giàu, còn nhà mình lại nghèo? Chuyên gia mách câu đáp chuẩn - 5

Làm thế nào để bố mẹ giúp con nhận ra giá trị đúng của bản thân, và phát huy giá trị đó?

Để giúp con nhận ra giá trị của bản thân, thì bố mẹ phải nhận ra giá trị của bản thân mình trước. Người như thế nào là người nhận ra giá trị bản thân: là người lạc quan, tích cực, tìm giải pháp trong mọi hoàn cảnh, không kêu ca, đổ lỗi, oán trách, ghi nhận bản thân và những thành công nhỏ nhất.

Ví dụ, tháng này bố được 7 triệu tiền lương, cả làm thêm nữa là tổng được 10 triệu. Bố đưa cho mẹ, mẹ bảo, “Ôi! tốt quá! tháng này bố được tận 10 triệu tiền lương. Bố rất tuyệt vời”.

Ngược lại, người không biết ghi nhận bản thân, họ sẽ không bao giờ nhìn ra được điểm tốt của chính mình và ghi nhận nó. Ví dụ khi nhận lương được 7 triệu, người bố sẽ lập tức than vãn: “Chán thật, tháng này làm thêm bao nhiêu mà sếp vẫn trả có 7 triệu bạc thì tiêu gì thời buổi này. Người mẹ cũng cằn nhằn: “Chồng người ta thì nhà lầu xe hơi, chồng mình lương ba cọc ba đồng”…

Vậy vấn đề quan trọng ở đây là, nếu bố mẹ không nhận ra giá trị của bản thân mình, bố mẹ sẽ rất khó để dạy con điều đó. Vậy nên việc bố mẹ cần làm là hãy ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của bản thân, dù là những thành quả nhỏ nhất đạt được. Bố mẹ phải luôn cảm thấy biết ơn cuộc sống, tất cả mọi thứ xung quanh và giữ tinh thần lạc quan, tích cực để con cái có thể cảm nhận, học hỏi.

Bên cạnh đó, đừng kiệm những lời khen, sự ghi nhận dành cho con trẻ khi con hoàn thành tốt một nhiệm vụ nào đó. Bởi đây chính là động lực mạnh mẽ và phần thưởng tinh thần lớn lao, giúp cho trẻ nhận ra được giá trị tốt đẹp của chính bản thân mình. Từ đó, trẻ sẽ biết đâu là điểm mạnh bản thân cần phát huy, và đâu là điểm yếu bản thân cần nỗ lực thay đổi.

Con đi học về bảo: Các bạn trong lớp đều nhà giàu, còn nhà mình lại nghèo? Chuyên gia mách câu đáp chuẩn - 6

Trong tình huống con có sự so sánh về gia cảnh giàu nghèo với các bạn đồng trang lứa, bố mẹ nên phản ứng ra sao là phù hợp?

Đầu tiên, bố mẹ hãy tự hỏi bản thân mình rằng: mình cảm thấy nhà mình nghèo hay giàu? Nếu mình cũng có suy nghĩ giống con, thấy nhà mình nghèo thật thì dạy con thế nào cho phù hợp? Sau đó, bố mẹ hãy hỏi ngược lại con rằng: Theo con thì thế nào là giàu, thế nào là nghèo? Điều gì khiến con nghĩ các bạn trong lớp đều nhà giàu, còn nhà mình nghèo?

Việc bố mẹ dành thời gian để lắng nghe, tôn trọng suy nghĩ cũng như quan điểm của con, sẽ giúp bố mẹ hiểu con hơn và từ đó có thể biết bản thân nên đưa ra lời giải thích, giáo dục ra sao là khéo léo, cũng như phù hợp nhất, tránh được những ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức và tâm lý của con.

Bố mẹ có thể tham khảo lời đáp sau, để giải thích cho con khi gặp tình huống này:

“Giàu ở đây không chỉ là nói về tiền đâu con yêu ạ! Cuộc sống của chúng ta, có sức khỏe, có các mối quan hệ tuyệt vời, có không khí để thở, có nước để uống, có thức ăn để ăn, có nhà để về… nếu chúng ta có đủ điều đó, chúng ta thuộc 10% những người giàu trên thế giới rồi con yêu ạ!”

Ở Châu Phi, mỗi năm có hàng triệu triệu trẻ em chết vì nạn đói – họ không có cơm ăn, nước uống sạch. Ở các bệnh viện ung bướu, mỗi ngày có hàng nghìn người phải đối mặt với cơn đau dữ dội và không đủ tiền để chi trả viện phí. Có hàng triệu gia đình các bạn ấy đã không có đủ cả bố và mẹ, hoặc không còn ông bà, hoặc họ đi xa làm ăn, 10 năm mới đủ tiền về quê một lần.

Còn chúng ta, con có thấy là chúng ta đang khỏe mạnh, và chúng ta không mất tiền đi viện, không chịu đau đớn để phẫu thuật, chúng ta vẫn được sống mà không phải chết đói như em bé châu Phi (có nơi bố mẹ còn nấu bùn lên cho con ăn – họ gọi là súp bùn), chúng ta đang an toàn không phải trải qua động đất, bão lụt, đang nửa đêm nước tràn vào ngập nhà con yêu ạ…!

Vậy theo con là mình đang giàu hay nghèo vậy con? Sự giàu có là khi con có ý chí, con nỗ lực học hành, con vươn lên, con trân quý mọi thứ dù là hoàn cảnh nào con ạ! Còn nghèo khó là khi chúng ta có đủ thứ mà chúng ta lại luôn than vãn, không bao giờ thấy đủ. Đó mới thực sự là nghèo”. 

Con đi học về bảo: Các bạn trong lớp đều nhà giàu, còn nhà mình lại nghèo? Chuyên gia mách câu đáp chuẩn - 7

Nếu bố mẹ dạy con bằng cách “khóc nghèo” hoặc “giả giàu” thì sẽ ảnh hưởng như thế nào đến quá trình hình thành nhân cách, tâm lý của trẻ?

Điều này là nguy hại bởi vì con sẽ không biết hành xử thế nào mới phải. Nếu hoàn cảnh gia đình có điều kiện, nhà giàu nhưng bố mẹ lại thường “khóc nghèo” trước mặt con, trẻ sẽ hình thành tâm lý lệch lạc, không coi trọng thứ mình đang có, ẩn sâu là tâm lý lo lắng, sợ hãi, ky bo.

Ngược lại, nếu hoàn cảnh gia đình không khả giả, nhà nghèo mà bố mẹ lại “giả giàu”, thì chắc chắn sẽ dễ khiến con cái mệt mỏi, lâu dần chán chường và mâu thuẫn vì bên ngoài không hợp nhất bên trong. Nếu kéo dài cả 2 tình trạng này, bố mẹ sẽ vô tình tạo nên những tác động tiêu cực đến quá trình hình thành nhân cách, lối sống và tâm lý của con trẻ trong tương lai.

Nguồn: https://arttimes.vn/gia-dinh/con-di-hoc-ve-bao-cac-ban-trong-lop-deu-nha-giau-con-nha-minh-lai-ngheo-chuyen-gia-mach-cau-dap-chuan-c59a35177.html